Câu hỏi thường gặp về kiểu dáng công nghiệp
  • Kiểu dáng công nghiệp là gì?

    Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

    Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.

  • Chủ sở hữu bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có những quyền gì?

    Chủ sở hữu bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có những quyền sau:
    - Sử dụng, cho phép người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp;
    - Ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp;
    - Định đoạt đối với kiểu dáng công nghiệp đã được cấp bằng của mình.

  • Hình dáng những loại sản phẩm nào có thể được bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp?

    Kiểu dáng công nghiệp được áp dụng cho nhiều loại sản phẩm của các mặt hàng công nghiệp và thủ công mỹ nghệ: từ bao bì, thùng chứa đến đồ nội thất và đồ gia dụng, từ thiết bị chiếu sáng đến đồ trang sức hay từ thiết bị điện tử đến dệt may...

  • Những hình dáng sản phẩm nào không được bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp?

    Những hình dáng sản phẩm không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:

    (a) Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;

    (b) Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

    (c) Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

    (d) Đối tượng trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.

  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực kéo dài bao lâu?

    Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực kể từ ngày cấp kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.

  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có giá trị ở mọi quốc gia không?

    Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ của quốc gia hoặc khu vực mà kiểu dáng công nghiệp đã được nộp đơn và cấp văn bằng, theo luật pháp của quốc gia hoặc khu vực đó.

  • Sự khác biệt giữa bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và bảo hộ sáng chế là gì?

    Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chỉ bảo vệ hình thức hoặc tính thẩm mỹ của sản phẩm, trong khi việc bảo hộ sáng chế là để bảo vệ giải pháp kỹ thuật mới nhằm giải quyết vấn đề cụ thể. Về nguyên tắc, cơ chế độc quyền kiểu dáng công nghiệp không bảo hộ các tính năng kỹ thuật hoặc chức năng của sản phẩm. Tuy nhiên, các chức năng như vậy có thể được bảo vệ bởi cơ chế độc quyền sáng chế.

  • Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là gì?

    Một kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
    a) Có tính mới;
    b) Có tính sáng tạo;
    c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

  • Ai có thẩm quyền cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp?

    Cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia là cơ quan có thẩm quyền cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, ở Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ.

  • Tôi có cần thuê luật sư / dịch vụ tư vấn để nộp đơn Cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp không?

    Không nhất thiết phải sử dụng dịch vụ đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng một dịch vụ chuyên nghiệp để đảm bảo rằng quy trình đăng ký được thực hiện chính xác và kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Quá trình đăng ký có thể phức tạp và tốn thời gian, và điều quan trọng là phải đảm bảo rằng tất cả các bước cần thiết đã được thực hiện để bảo vệ kiểu dáng công nghiệp của bạn.

  • Phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp là bao nhiêu?

    Phí, lệ phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp/giải pháp hữu ích nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ:

    - Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ;

    - Phí phân loại kiểu dáng công nghiệp: 100.000/01 phân loại;

    - Phí thẩm định đơn: 700.000VNĐ/01 đối tượng;

    - Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;

    - Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/01 hình;

    - Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 480.000VNĐ/01 đối tượng;

    - Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên.

    Lưu ý: Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp, trường hợp Người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000VNĐ/01 phân loại)

  • Làm thế nào có thể có được bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp trên toàn thế giới?

    Hiện tại, bạn không thể có được "bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp toàn thế giới" hoặc "bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp quốc tế" nếu không nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trực tiếp tại các quốc gia muốn bảo hộ hoặc qua hệ thống đăng ký quốc tế như Hệ thống Hague.

  • Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm những gì?

    Đầu tiên, bạn nên tra cứu kiểu dáng của mình để xem xét khả năng bảo hộ. Sau khi tra cứu đánh giá khả năng bảo hộ với kết quả khả quan, bạn cần soạn thảo bộ hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp để nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ bao gồm:

    - 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đánh máy theo mẫu Phụ lục I - Mẫu số 07 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ;

    - 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp; [Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng quy định tại điểm 33.5 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, bản kiểu dáng công nghiệp phải bao gồm các nội dung sau:

    + Tên kiểu dáng công nghiệp;

    + Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp;

    + Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất;

    + Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ;

    + Phần mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp;

    + Yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

    - 04 Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.

    - Chứng từ nộp phí, lệ phí.

  • Quy trình thẩm định đơn kiểu dáng công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

    Thời hạn xử lý đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp:

    Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được xem xét theo trình tự sau:

    - Thẩm định hình thức: 01 tháng

    - Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ

    - Thẩm định nội dung: không quá 07 tháng, kể từ ngày công bố đơn.

  • Quyết định cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có thể bị khiếu nại không?

    Có thể. Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ quyết định hoặc thông báo liên quan. Đơn khiếu nại được nộp dưới hình thức văn bản giấy hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.

  • Làm thế nào để tra cứu kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký?

    Tại Việt Nam, bạn có thể tìm kiếm các thông tin này qua công cụ tra cứu thông tin trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ tại http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/. Ngoài ra, bạn có thể tìm thấy các thông tin này qua Công báo sở hữu công nghiệp công bố hàng tháng,...
    Ở phạm vi quốc tế, bạn có thể sử dụng các công cụ tra cứu miễn phí cũng như có trả phí thông dụng như http://www.wipo.int/designdb/en/index.jsp của WIPO, https://www.tmdn.org/tmdsview-web/welcome của EPO, ...

  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp quan trọng với doanh nghiệp như thế nào?

    Kiểu dáng công nghiệp làm cho một sản phẩm hấp dẫn hơn với khách hàng. Thiết kế bắt mắt thúc đẩy sự lựa chọn của người tiêu dùng và cũng có thể là một yếu tố quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Nói cách khác, sự thành công hay thất bại của một sản phẩm có thể phụ thuộc, ít nhất là một phần, vào vẻ ngoài của nó. Do đó, kiểu dáng công nghiệp có thể rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, dù ở quy mô nào.

  • Những lợi thế cho doanh nghiệp trong việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là gì?

    Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nên là một phần không thể thiếu trong bất kỳ chiến lược kinh doanh nào. Những lý do chính để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là:

    1. Lợi tức đầu tư: Bảo vệ góp phần thu được lợi tức đầu tư được thực hiện trong việc tạo ra và tiếp thị các sản phẩm hấp dẫn và sáng tạo.
    2. Quyền độc quyền: Bảo hộ cung cấp các quyền độc quyền lên đến 15 năm, nhằm ngăn chặn người khác khai thác hoặc sao chép kiểu dáng công nghiệp cho mục đích thương mại.
    3. Tăng cường thương hiệu: Kiểu dáng công nghiệp có thể là một yếu tố quan trọng của thương hiệu công ty. Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp góp phần bảo vệ thương hiệu của công ty.
    4. Cơ hội cấp phép hoặc bán: Bảo hộ kiểu dáng cho phép chủ sở hữu bán hoặc cấp phép sử dụng cho một doanh nghiệp khác, tạo nguồn thu nhập cho chủ sở hữu quyền.
    5. Hình ảnh tích cực: Bảo hộ giúp truyền tải hình ảnh tích cực của một công ty, vì kiểu dáng công nghiệp là tài sản có thể làm tăng giá trị thị trường của một công ty và các sản phẩm của công ty.
    6. Khuyến khích sáng tạo: Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đem lại lợi ích cho chủ sở hữu quyền, từ đó khuyến khích sự sáng tạo.
  • Điều gì xảy ra nếu tôi không bảo hộ (các) kiểu dáng công nghiệp của mình?

    Nếu bạn không bảo hộ (các) kiểu dáng công nghiệp của mình thì bạn có thể không được hưởng quyền độc quyền đối với chúng. Do đó, đối thủ cạnh tranh của bạn có thể đưa sản phẩm ra thị trường, kết hợp kiểu dáng công nghiệp của bạn mà không cần sự cho phép của bạn.

    Vì vậy, nếu một đối thủ cạnh tranh hoặc bất kỳ ai khác sản xuất, bán hoặc nhập khẩu các sản phẩm mang hoặc thể hiện một thiết kế là bản sao (hoặc sao chép đáng kể) kiểu dáng công nghiệp của bạn mà không có sự đồng ý của bạn, bạn sẽ không có phương tiện pháp lý để chống lại họ. Hơn nữa, có khả năng các bản sao của kiểu dáng công nghiệp sẽ được bán với giá thấp hơn vì các đối thủ cạnh tranh không phải thu hồi các khoản đầu tư đã thực hiện trong quá trình sáng tạo. Điều này có thể làm giảm thị phần của bạn cho sản phẩm được đề cập và có hại cho cả danh tiếng của công ty bạn và sản phẩm của bạn.