Sáng chế là một trong những đối tượng được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam. Để được cấp văn bằng bảo hộ cho sáng chế, đơn đăng ký sáng chế phải đáp ứng các điều kiện về hình thức và nội dung, và không vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý đơn, có thể có những trường hợp mà Cục SHTT có thể từ chối bảo hộ cho đơn đăng ký sáng chế. Dưới đây là 9 cơ sở để từ chối bảo hộ đơn đăng ký sáng chế theo Luật SHTT sửa đổi năm 2022:

1. Có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ;

Sáng chế đáp ứng điều kiện bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện sau đây: Có tính mới; Có trình độ sáng tạo; Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế: Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học; Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính; Cách thức thể hiện thông tin; Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ; Giống thực vật, giống động vật; Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh; Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Hơn nữa, đối tượng nêu trong đơn đăng ký sáng chế không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

2. Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền đăng ký sáng chế;

Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế: Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình; Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, , trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp quy định tại Điều 86a của Luật SHTT.

Người nộp đơn không thuộc các trường hợp nêu trên không có quyền đăng ký sáng chế và có thể sẽ bị từ chối bảo hộ đơn đăng ký sáng chế.

3. Đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật SHTT;

Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

4. Đơn thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật SHTT mà không được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn;

Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký sáng chế cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

5. Việc sửa đổi, bổ sung đơn làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn.

Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể Sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong đơn với điều kiện việc sửa đổi, bổ sung không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ đã bộc lộ trong bản mô tả đối với đơn đăng ký sáng chế hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn. Nếu việc sửa đổi, bổ sung mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ đã bộc lộ trong bản mô tả đối với đơn đăng ký sáng chế hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn thì sẽ bị từ chối bảo hộ sáng chế tương ứng.

6. Sáng chế được yêu cầu bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;

Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ đối với sáng chế được xác định bởi nội dung của yêu cầu bảo hộ và nội dung này được sử dụng để đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng cần được bảo hộ. Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu bảo hộ. Nếu trong phần yêu cầu bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế thì đơn đăng ký sáng ché đó có thể bị từ chối bảo hộ.

7. Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng trong bản mô tả sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;

Phần mô tả thuộc bản mô tả sáng chế phải bộc lộ hoàn toàn bản chất của giải pháp kỹ thuật được yêu cầu bảo hộ. Trong phần mô tả phải có đầy đủ các thông tin đến mức căn cứ vào đó, bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện được giải pháp đó; phải làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp của giải pháp kỹ thuật.

Người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng được hiểu là người có các kỹ năng thực hành kỹ thuật thông thường và biết rõ các kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

8. Đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen, đơn đăng ký sáng chế không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen;

Trong trường hợp  người nộp đơn đăng ký cho sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen mà đơn đăng ký sáng chế đó không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen thì đơn đăng ký sáng chế tương úng có thể bị từ chối bảo hộ. 

9. Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định tại Điều 89a của Luật SHTT.

Sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam chỉ được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài nếu đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh.

Như vậy, nếu đơn đăng ký chỉ rơi vào một trong 9 trường hợp trên đây thì đều có thể bị từ chối bảo hộ sáng chế.

Rate this post

MONDAY VIETNAM

  • E-mail: shtt@mondayvietnam.com
  • Điện thoại: 086 200 6070 – Hotline: 0932189012
  • Trụ sở: 68 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • VPGD: Tầng 5, 205A Thuỷ Lợi 4 Tower, Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP. HCM
  • Tây Nguyên: 124 Ngô Quyền, Phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, ĐakLak.
  • Hà Nội: Tầng 5, Số 4, Ngõ 81 Hoàng Cầu, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa